TIN MỚI
Loading...
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Nguyên nhân bé chậm mọc răng

Con của bạn đã 9 tháng, thậm chí 1 tuổi, bạn mỏi mòn trông đợi nhưng những chiếc răng sữa xinh xinh của bé vẫn chưa nhú lên. Bạn đang nghi ngờ chế độ dinh dưỡng của con mình, lo lắng khi bé uống ít sữa… Hãy tìm hiểu nguyên nhân để yên tâm hơn các mẹ nhé!

Răng thực sự phát triển từ khi em bé trong bụng mẹ, khi ấy chồi răng hình thành trong nướu răng.Những chiếc răng sữa đầu tiên của bé sẽ mọc lên vào lúc bé được khoảng 3 - 7 tháng tuổi, và bé có đủ 20 chiếc răng sữa khi được khoảng 2 đến 2 tuổi rưỡi. Số lượng răng là một trong những dấu hiệu dùng để theo dõi sự phát triển thể chất của một đứa trẻ. Những chiếc răng đầu tiên mọc lên báo hiệu bé đã có thể bắt đầu ăn các thức ăn đặc hơn sữa, bé có thể nhai, thử các món mới và mẹ sẽ bận rộn hơn với những đợt sốt mọc răng, chăm sóc răng cho bé mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều có “quy trình” phát triển giống nhau; và ngày càng có nhiều bé có hiện tượng răng mọc rất chậm, dù đã đầy tuổi.
"Sao ai cũng có răng rồi mà mình chẳng có chiếc nào hết vậy nhỉ?" Ảnh: Inmagine

Nếu thấy con mình chậm mọc răng, hãy thử xem con của bạn có rơi vào nguyên nhân nào như dưới đây không?
Suy dinh dưỡng -> chậm mọc răng
“Em có bé gái hiện đã tròn 1 tuổi nhưng chưa có răng nào. Hiện tại cháu chỉ nặng gần 8 kg và cao khoảng 72cm. Có phải cháu đã bị suy dinh dưỡng không, nên vì thế mà bé chưa mọc răng (do thiếu canxi) không ạ?”
“Còn có 10 ngày nữa thôi nôi mà con vẫn chưa có cái răng nào? Làm sao đây mấy mẹ? Có phải do thiếu dinh dưỡng không? Con mình nặng 9,5kg, cao 73cm à.”
“Bác sỹ ơi, bé nhà em đã 13 tháng rồi, cân nặng 7,5kg (lúc mới sinh bé nặng 2,5kg), bé đã biết đứng nhưng chưa vững lắm. Hàng ngày bé ăn 2 bữa bột mặn và 1 bữa bột ngọt trước lúc đi ngủ tối (mỗi lần được gần 1 bát ăn cơm), ngoài ra bé uống khoảng 500-600ml sữa/ ngày. Vậy mà đến giờ bé vẫn chưa mọc được cái răng nào. Em sốt ruột quá, bé đã hơn 1 tuổi rồi, cân nặng cũng không được như các bé cùng lứa và đặc biệt là chưa có cái răng nào. Phải làm sao đây bác sỹ ơi. Có bé nào như bé nhà em không?”
Rõ ràng, với những trường hợp trên đây, trẻ chậm mọc răng có thể do dinh dưỡng kém. Các bé ăn ít, lượng sữa uống vào ít làm thiếu chất, thiếu canxi để phát triển các mầm răng. Thức ăn chính của các bé khi này là sữa. Sữa là loại thức ăn giàu canxi nhất và dễ hấp thu nhất nên nếu bé uống sữa không đủ nhu cầu thì nguồn cung cấp canxi sẽ bị thiếu hụt. Riêng với những trẻ bú mẹ mà mẹ ăn uống kiêng khem sẽ giảm chất lượng của nguồn sữa, cũng dễ dẫn đến còi xương.
Tỷ lệ canxi trong thức ăn được hấp thu còn liên quan đến tỷ lệ phù hợp của một chất khoáng khác là phốt-pho - có nhiều trong các loại ngũ cốc, các loại rau, củ... Khi tỷ lệ phốt-pho quá cao, sự hấp thụ canxi sẽ giảm đi.Một chất nữa cần thiết cho sự hấp thụ canxi là vitamin D. Có 2 nguồn cung cấp vitamin D cho trẻ nhỏ là từ thức ăn và từ ánh sáng mặt trời, trong đó nguồn cung cấp chủ yếu là từ ánh sáng mặt trời (chiếm tới 80%). Thức ăn động vật (thịt, cá, trứng, sữa) chứa nhiều vitamin D hơn với một tỷ lệ hấp thụ cao hơn thức ăn có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, vì vitamin D là một loại vitamin tan trong dầu nên nếu chế độ ăn không có đủ chất béo thì dù ăn nhiều thức ăn động vật, vitamin D vẫn không thể hấp thụ được vào cơ thể.
“Bé 1 tuổi cần uống đủ 800 ml sữa bột ngoài sữa mẹ mỗi ngày. Giai đoạn này sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu tăng lên của bé, do đó nếu bé uống không đủ 800ml sữa bột thì bạn cần phải cai sữa mẹ để bé uống đủ lượng sữa cần thiết. Từ 1 tuổi trở đi, bmỗi ngày é cần 4 chén cháo, trong mỗi chén cháo 180ml có đủ 30g thịt cá, 30g rau, và 10g dầu (tương đương 2 muỗng canh gạt thịt cá, 2 muỗng canh hơi vun rau lá và 1 muỗng nhỏ dầu mỡ). Ngoài ra cần cho bé tiếp xúc với ánh nắng khoảng 15 phút mỗi ngày. Nếu dinh dưỡng tốt, răng của bé sẽ sớm mọc đều đặn và còn cải thiện tốt về chiều cao, cân nặng cho bé nữa,” bác sĩ Đan Thanh, Bộ môn Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết.
Phát triển tốt cũng mọc răng chậm
Không chỉ những đứa trẻ thiếu cân mà ngay cả những bé bụ bẫm, ăn cháo uống sữa tốt, phát triển tốt về thể trạng cũng có thể chậm mọc răng.
“Bé nhà em được 10 tháng tuổi, cân nặng 9,5kg, chiều dài 74cm. Bé rất hiếu động, đã biết đứng chựng và đi được vài bước. Nhưng hiện tại bé nhà em vẫn chưa mọc răng, như vậy có phải bé bị thiếu canxi không ạ?”
“Con trai cháu được 10 tháng 21 ngày nhưng bé vẫn chưa mọc răng. Hiện tại, bé nặng 10kg, cao 78cm, đi được 1-2 bước. Bé ăn ngày 3 bữa (sáng, trưa, tối) đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (gạo, thịt, tôm, cua, trứng...rau xanh, dầu ăn), cháu thay đổi thực đơn trong ngày. Ngoài ra bé còn ăn thêm bữa phụ: váng sữa, hoa quả... và uống thêm 360ml/ngày, đêm bú mẹ. Như vậy bé chậm mọc răng là do nguyên nhân gì? Cần bổ sung thêm gì thưa bác sĩ?”
Trả lời vấn đề này, bác sĩ Phạm Thị Tuyết Lan, Bộ môn Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho biết: “Về vấn đề mọc răng của bé thì thông thường, đa số các bé sẽ mọc 2 chiếc răng đầu tiên vào khoảng tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 7. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng như vậy, một số trẻ mọc răng từ tháng thứ 4 hoặc thậm chí khi sinh ra đã có 1 cái răng; ngược lại, cũng có trẻ đến 1 tuổi mới mọc chiếc răng đầu tiên mà hoàn toàn bình thường, không có bệnh lý gì cả. Vì vậy chỉ với một hiện tượng là bé chậm mọc răng thì không thể đổ lỗi là bé thiếu canxi được. Nếu bé uống đủ sữa thì thường không lo thiếu canxi. Có thể việc chậm mọc răng là do di truyền từ gia đình. Mẹ đừng quá lo lắng, hãy cố gắng chờ đợi thôi!”



Mọc răng làm bé ngứa nướu và thích gặm mọi thứ xung quanh. Ảnh: corbis
“Loại canxi tốt nhất mà bạn có thể cung cấp cho con chính là canxi từ sữa. Ngoài canxi, trong sữa còn có gần 40 chất dinh dưỡng khác nữa mà không có bất kỳ một loại thuốc bổ nào có thể thay thế được. Bé không thiếu chiều cao vì thế mọc răng chậm có thể do sinh lý hoặc di truyền. Mẹ có thể cho bé uống sữa thay nước để tăng tối đa lượng sữa trong ngày, vừa giúp bổ sung đủ chất giúp bé mọc răng nhanh hơn vừa bổ sung thêm phần năng lượng thiếu khi bé hoạt động quá nhiều,” Thạc sĩ – bác sĩ Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. HCM, nói thêm.
Bẩm sinh
Nhiều bác sĩ cho biết, răng mọc chậm không hẳn do thiếu dinh dưỡng mà có thể do di truyền, hoặc do khởi đầu của bé. Nghĩa là, tùy thuộc vào một đứa trẻ sinh đủ tuần đủ tháng hay trẻ sinh non mà tốc độc mọc răng cũng có sự khác nhau. Nếu trẻ sinh non, khi mới khoảng 30 tuần tuổi thì thông thường phải đến 6 - 8 tháng mới mọc chiếc răng đầu tiên. Không chỉ vậy, tất cả những trẻ sinh bị thiếu cân cũng đều có nguy cơ răng mọc chậm hơn những trẻ em khác.
Một vài bệnh cũng làm trẻ chậm mọc răng
Những trẻ em mắc phải hội chứng Down, có bất thường về tuyến yên đều có khả năng răng mọc chậm. Tuy nhiên, để có được kết quả chính xác, cha mẹ nên đưa bé tới bệnh viện khám để có kết quả chính xác nhất và phương thức điều trị phù hợp.
Trẻ bị chấn thương và nhiễm trùng khoang miệng
Nếu răng của trẻ mọc chậm và không đều, rất có thể nguyên nhân đến từ bên ngoài. Khoang miệng của trẻ có vấn đề khiến lợi bị tổn thương dẫn đến răng mọc chậm. Ngoài ra, trẻ đang trong thời kỳ điều trị bằng thuốc cũng có thể làm nướu răng dày lên khiến răng khó mọc.
Trích:webtretho.com

1 nhận xét: